Từ thời còn rất trẻ, tôi đã có cơ duyên tiếp cận với một nỗ lực hiện đại hóa Phật giáo: đó là một kỷ niệm với Thầy Thích Tâm Giác. Lúc đó, tôi là học trò trung học đệ nhất cấp. Vui theo bạn bè, tôi đã xin vào học võ ở Viện Nhu Đạo Quang Trung. Thế là mỗi buổi chiều, lại đạp xe đạp tới trường võ ở Tân Định. Thực sự học không lâu, khoảng 5 hay 6 tháng là nghỉ, vì mẹ không cho học võ Nhu Đạo nữa – bây giờ không nhớ chính xác vì sao, có thể vì có lúc tôi than là té đau quá, hay vì mẹ nghe chuyện bạn tôi té trật khớp. Sau này nghiệm lại, mới thấy Thầy Thích Tâm Giác đang nỗ lực hiện đại hóa Phật giáo theo kiểu riêng của Thầy. Trường võ có nhiều vị tăng theo học. Đây là một nỗ lực rất tuyệt vời, khi khuyến khích và tạo cơ duyên cho chư tăng học võ. Thứ nhì, trước khi tập võ luôn luôn là ngồi thiền khoảng 5 phút. Tôi còn nhớ thời gian đó, trong khi võ sinh ngồi thiền, hình ảnh Thầy Thích Tâm Giác hay các võ sinh cao cấp đi giữa các hàng ngồi, kiểm soát, hướng dẫn. Sau này, đọc tiểu sử, mới biết thầy cũng kiêm việc tuyên úy. Nhưng việc bắt buộc võ sinh, trong đó có các võ tăng, phải ngồi thiền… đó là một cuộc cách mạng lớn. Vì theo tôi nhớ trong những năm tôi còn rất nhỏ, Phật giáo quanh tôi, hay ít nhất, các chùa dọc theo đường Nguyễn Thông nối dài ở Quận 3, quanh nhà tôi vài cây số, quý thầy chủ yếu chỉ tụng kinh, không thấy dạy ngồi Thiền. Lúc đó, tôi có cơ duyên gần nhất là gặp một vị sư ở ngôi chùa nhỏ, nơi con hẻm dẫn vào xóm Chuồng Bò, một vị sư rất bình thường, rất mực hiền lành, không nói chuyện uyên bác gì, hàng ngày chỉ tụng kinh theo thời khóa. Thực tế, Phật giáo Việt Nam trong một thế kỷ qua đã trải qua nhiều nỗ lực canh tân. Chữ thường gọi hồi thế kỷ trước là hiện đại hóa Phật giáo. Và trong tất cả những vị cao tăng nổi tiếng, lúc nào cũng có những thôi thúc để đổi mới Phật giáo, để thích ứng được với những dòng chảy của lịch sử, khoa học, và xã hội. Quý vị cũng có thể tìm thấy bài này trên trang Giáo Pháp - Ngàn Cánh Sen Pháp |
Thông Báo Mới > Bài Mới Đăng >