Hai yếu tố này bổ sung hay cạnh tranh với việc tu
tập? Đối với một người quan tâm đến thành tựu giác ngộ thì việc tu học có
quan trọng hay không? Một số dòng truyền thừa đặt nặng việc hành
thiền hơn tu học, và nói rằng không cần thiết phải tu học, vì điều này
chỉ khiến tâm tràn đầy tư tưởng, và tư tưởng thì không phải là thiền.
Tạp chí Mandala đã chọn lựa và trưng cầu ý kiến cùng sự quan sát của
một số lạt ma, học giả và hành giả.
Chúng tôi bắt đầu với Nick Ribush nói chuyện với Choden Rinpoche,
để xin Ngài ban cho lời khuyên uyên bác. Choden Rinpoche, Losang
Gyalten Jigdrel Wangchuk, là người có kỷ lục tu học oanh liệt vào thời
trẻ, và sau đó, ngài đã nhập thất trong 19 năm. Choden Rinpoche: Quá trình được đề ra là trước hết, lắng nghe giáo
pháp, rồi tư duy về những gì con đã nghe, rồi thiền quán về những điều
này. Vì vậy, điều quan trọng lúc đầu là đi tìm một vị thầy uyên bác để
tu học với vị này; rồi phân tích bất kỳ điều gì con đã nghe bằng biện
chứng hợp lý, đó là việc tư duy; rồi chú tâm nhất điểm vào những điều
con đã thiết lập sau quá trình phân tích, điều mà trong bối cảnh này gọi
là hành thiền. Thế thì ba điều này phải đi theo thứ tự: văn, tư, tu. Cả hai
vị Phật, Đức Thích Ca Mâu Ni và Đức Di Lặc đều nói như vậy. Nick Ribush: Thế thì nếu không có cả hai yếu tố tu học và hành thiền,
chúng ta không thể đạt được giác ngộ, phải không ạ? Choden Rinpoche: Điều quan trọng là thiền quán về bất cứ điều gì con
đã học hỏi. Nếu không làm như vậy thì những gì con đã học sẽ không
giúp ích gì cho tâm mình. Nick Ribush: Xin cảm ơn Rinpoche. Trước tiên, chúng ta nên lắng
nghe những giáo pháp gì? Choden Rinpoche: Điều này còn tùy vào hình thức tu học mà con dự
định sẽ thực hiện. Nếu đó là chương trình tu học sâu rộng thì con nên
theo gương của chư Tăng trong các tu viện lớn của Sera, Drepung và
Ganden, nơi mà các Thầy nghiên cứu năm môn học chính [Bát nhã ba
la mật (Prajnaparamita), triết lý Trung đạo (Madhyamaka), Lượng học
(pramana), A tỳ đạt ma (abhidharma) và giới luật (vinaya)] qua nhiều
năm, hay thậm chí suốt đời. Ở mức độ tu học trung bình thì con có thể
chú trọng vào những tác phẩm như Bồ Tát Hạnh (Guide to the
Bodhisattva's Way of Life) của ngài Tịch Thiên và luận giải về sách
này, cũng như Toát Yếu Tu Tập (Compendium of Training). Nếu không
có nhiều thời giờ thì con có thể nghiên cứu Lam-rim. Gyalten Deying chuyển Việt ngữ Võ Thư Ngân hiệu đính (2005) Quý vị cũng có thể tìm thấy bài này trên trang Giáo Pháp - Thuyết Giảng. |
Thông Báo Mới > Bài Mới Đăng >