Lời mời đầu của người biên tập: Thông thường, từ “thần thức” được dùng cho người đã chết đang ở trong giai đoạn trung ấm, trong khi từ “tâm thức” được dùng cho người còn sống. Trên phương diện tối hậu thì tâm thức là một dòng tương tục không có sống chết, có chăng chỉ là cái tan hoại của thân vật lý. Thêm vào đó, trong bối cảnh của pháp tu “Phowa,” và nhất là đối với các hành giả tu tập pháp chuyển di nương vào ba ẩn dụ, việc này bao gồm cảc nghi thức chuyển di vào giờ phút lâm chung trong giai đoạn tan rã trước khi thân và tâm thực sự tách rời (nghĩa là khi hơi thở vi tế bên trong vẫn còn hiện hữu), nên chúng tôi xin lựa chọn sử dụng từ “tâm thức” thay vì “thần thức” trong bài giới thiệu này về pháp thực hành chuyển di. Trong các bài nguyện và hồi hướng dành cho giai đoạn lìa đời và thân trung ấm có nhắc đến pháp môn chuyển di tâm thức (*) có tên gọi là “Phowa.” Đây là pháp tu khởi thủy được truyền xuống từ đức Liên Hoa Sanh sau khi đã ngài dùng thần lực đến cõi Tịnh độ thọ pháp này từ đức A Di Đà và đây cũng là một trong Sáu Pháp Tu Du Già của Naropa. Đối với pháp tu này thì ngài Marpa, đại dịch giả Tây Tạng và Sơ Tổ dòng Kagyu, đã từng nói rằng: ‘Có nhiều giáo pháp để hành giả đạt giác ngộ, nhưng ta có một giáo phápcó thể mang lại giác ngộ mà chẳng cần thiền định, đó chính là pháp môn chuyển di tâm thức.’ Do đó, trong Kim Cang Thừa, pháp môn “Phowa” được xem như là phương tiện trực tiếp nhất và nhanh chóng nhất để đạt giác ngộ trong thời điểm lâm chung. Nói chung pháp chuyển di tâm thức được phân loại như sau: 1. Pháp chuyển di siêu việt tới Pháp thân nhờ vào dấu ấn của [kinh nghiệm] kiến tánh. 2. Pháp chuyển di trung bình tới Báo thân nhờ hợp nhất các giai đoạn sinh khởi (generation stage) và viên mãn (perfection stage) dựa vào các pháp tu Bổn Tôn của Kim Cang Thừa. 3. Pháp chuyển di thấp tới Hóa thân nhờ vào lòng bi mẫn vô lượng. 4. Pháp chuyển di thông thường [đến cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà] nương vào ba ẩn dụ. 5. Pháp chuyển di thực hiện cho người chết với cái móc của lòng bi mẫn. Theo Tạng ngữ [qua sự trao đổi với thầy Damien Jampa, điều hành trung tâm Tạng ngữ Esukhia tại Dharamsala cùng với quý Khenpo người Tạng] thì động từ “Phowa” འཕོ་བ་ có nghĩa là dời đi, chuyển đi, dọn đi, chuyển di, chuyển dời từ một nơi này đến một nơi khác (to transfer, to move, to migrate. Và từ này cũng được các dịch giả Anh ngữ dùng trong bối cảnh của pháp “Phowa” ám chỉ hành động “phóng xuất” một cách nhanh chóng (to eject). Do đó, ngoài nghĩa bóng là hành động phóng xuất tâm thức một cách thần tốc ra khỏi xác thân để hòa nhập vào với đức A Di Đà nơi cõi Cực Lạc nương vào ba ẩn dụ (như trong “Phowa” thứ 4) thì từ “Phowa” nói chung mang một ý nghĩa thâm sâu, đó là chuyển dời (chuyển di) tâm thức của chúng ta từ một nơi là cảnh giới hay tâm cảnh của xác thân phàm đến hòa nhập vào một nơi khác là cảnh giới thanh tịnh của Pháp thân, Báo thân, Hóa thân và Cực Lạc. Cho nên ta có thể hiểu rằng “Phowa” là tên gọi của pháp môn “Chuyển Di” nói chung, và hành động “phóng xuất” là một hành động cần thiết trong phần quán tưởng của pháp môn “Chuyển Di” này. Tâm Bảo Đàn biên tập và trích lược từ chương sách nói về "Phowa" trong tập sách "Lời Vàng Của Thầy Tôi" của Patrul Rinpoche. |
Thông Báo Mới > Bài Mới Đăng >