Bình an nội tâm liên hệ đến sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Những kinh nghiệm thuộc về cơ thể không nhất thiết định đoạt sự an bình trong tâm thức của chúng ta. Nếu tâm ta an lạc, thì tình trạng của cơ thể ở mức độ vật lý sẽ không giữ một vai trò quá quan trọng. Thế thì hiện nay, liệu ta có phát triển được tâm bình an bằng cách cầu nguyện hay không? Không, điều này không thật sự xảy ra. Bằng sự rèn luyện thân thể thì sao? Không. Hay chỉ bằng cách tiếp thu kiến thức? Không. Bằng cách vô hiệu hóa cảm giác của mình? Không. Nhưng trong bất cứ tình cảnh khó khăn nào, nếu ta đối diện vấn đề bằng sự ý thức đầy đủ về lợi điểm và yếu điểm của bất cứ hành vi khả dĩ nào, cùng với hậu quả của nó, thì tâm ta sẽ không bị giao động và đó chính là sự bình an trong tâm hồn thực sự. Lòng bi mẫn và sự tiếp cận vấn đề một cách thực tế là những điều cực kỳ quan trọng. Khi những hậu quả bất ngờ xảy ra và ta quá sợ hãi, đó là vì ta đã có cái nhìn không thực tế. Ta đã không thật sự thấy được tất cả những hậu quả khả dĩ và đó là vì ta thiếu sự tỉnh giác và hiểu biết. Ta sợ hãi vì ta đã không khảo sát vấn đề một cách kỹ lưỡng. Vì vậy. ta cần nhìn sự việc từ cả bốn phía, từ trên xuống dưới, để thấy được toàn bộ vấn đề. Luôn luôn có một khoảng cách giữa thực tại và bề ngoài của sự việc. Vì vậy, chúng ta phải khảo sát vấn đề từ mọi phương hướng. Alexander Berzin ghi chép và chuyển ngữ Tạng-Anh Lozang Ngodrup chuyển Việt ngữ |
Thông Báo Mới > Bài Mới Đăng >