Trích đoạn trong bài thuyết pháp của Đức Dalai Lama thứ 14 về “Nhập Bồ Tát Hạnh” Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, tháng Giêng, 1978Tiến sĩ Alexander Berzin thông dịch và hiệu đính bản Anh ngữ Lozang Ngodrub chuyển Việt ngữ, Võ Thư Ngân hiệu đính. Ngài Tịch Thiên (Shantideva) sinh ra trong thế kỷ thứ 8, là con trai của nhà vua trị vì vùng đất thuộc về Bengal, miền Đông Ấn Độ. Khi sắp lên ngôi vua thì ngài nằm chiêm bao thấy Đức Văn Thù Sư Lợi, người đã nói rằng, “Ngai vàng không phải dành cho con.” Nghe theo lời khuyên của Đức Văn Thù, ngài đã từ bỏ ngai vàng và ẩn tu trong rừng. Ở đó, ngài đã gặp gỡ và tu học với nhiều vị thầy ngoại đạo, hành thiền miên mật và thành tựu các tầng thiền định cao. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp của Đức Thích Ca Mâu Ni, ngài nhận ra rằng thể nhập vào các tầng thiền định sâu xa không thể đoạn trừ cội nguồn của nỗi khổ. Nhờ nương tựa vào Đức Văn Thù mà cuối cùng ngài đã có linh kiến về đấng hiện thân cho trí tuệ của toàn thể chư Phật, và thọ nhận giáo pháp từ Đức Văn Thù. Rồi ngài Tịch Thiên rời bỏ khu rừng và đi đến Tu Viện Na-lan-đà, nơi ngài đã thọ giới xuất gia với Hòa Thượng Trụ Trì. Ở đó, ngài đã nghiên cứu các Kinh điển và Mật điển cao cả, và tu tập một cách miên mật, nhưng giấu kín mọi việc tu tập của mình. Mọi người nghĩ rằng ngài chẳng làm gì cả, ngoài việc ăn, ngủ và đi vệ sinh, nhưng trên thực tế thì ngài luôn luôn an trụ trong thiền định thanh quang. |
Thông Báo Mới > Bài Mới Đăng >