Diêu Tần Quy Từ Tam tạng Cưu Ma La Thập dịch Dịch Hán-Việt: Ratna Siddhārtha Dhyāna (Kinh số 366 trích trong Đại chính tân tu tạng kinh) Tôi nghe như vậy: Một thuở, Phật ngự tại nước Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc với cây của Thái tử Kì Đà, cùng với chúng đại Tì kheo tăng một nghìn hai trăm năm mươi vị vân tập. Các ngài đều là những bậc đại A la hán chúng hội đều tường: Trưởng lão(1) Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hi La, Li Bà Đa, Chu Lê Bàn Đà Ca, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiêu Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đoạ, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lâu Đà. Các vị đại đệ tử như vậy cùng với các vị Bồ Tát Ma Ha Tát: Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tiến Bồ Tát – các vị như vậy là chư đại Bồ Tát. Lại có Thiên chủ Thích Đề Hoàn Nhân(2) cùng vô lượng chư Thiên cũng vân tập trong đại chúng. Bấy giờ, Phật nói với Trưởng lão Xá Lợi Phất: - Từ thế giới này về phương Tây, qua mười vạn ức cõi Phật, có thế giới tên Cực Lạc. Ở cõi đó có Đức Phật trụ thế hiệu A Di Đà, hiện tại đang thuyết Pháp. Xá Lợi Phất, cõi đó vì sao tên là Cực Lạc? Cõi đó chúng sinh đều không gặp khổ, mà lại hưởng mọi niềm vui, vậy nên tên Cực Lạc. Lại nữa, Xá Lợi Phất, thế giới Cực Lạc bảy tầng lan can, bảy lớp mạng lưới, bảy hàng đường cây, tất cả đều được bốn loại châu báu bao quanh, vậy nên tên Cực Lạc. Lại nữa, Xá Lợi Phất, cõi Cực Lạc có ao thất bảo chứa đầy nước tám đức, đáy chỉ toàn dùng cát vàng trải khắp; bốn phía đường thềm làm bằng vàng, bạc, lưu li, pha lê hợp thành; trên có lầu gác cũng dùng vàng, bạc, lưu li, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não trang nghiêm; trong ao, hoa sen to như bánh xe; hoa xanh toả hào quang xanh, hoa vàng toả hào quang vàng, hoa đỏ toả hào quang đỏ, hoa trắng toả hào quang trắng, vi diệu, hương thơm thanh khiết; Xá Lợi Phất, cõi Cực Lạc công đức trang nghiêm như vậy. Lại nữa, Xá Lợi Phất, cõi Phật ấy thường nổi Thiên nhạc, đất tức hoàng kim, sáu buổi ngày đêm trời mưa xuống hoa Mạn đà la. Mỗi chúng sinh trong cõi thường vào sáng sớm, lấy vạt áo đựng các loại hoa đẹp, cúng dưỡng mười vạn ức chư Phật các cõi khác, liền đến giờ ăn quay trở về cõi của mình, ăn cơm rồi đi kinh hành. Xá Lợi Phất, thế giới Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như vậy. Lại nữa, Xá Lợi Phất, cõi đó thường có mọi loại chim lạ nhiều màu: bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, cộng mệnh…; các loài chim này ngày đêm sáu buổi ca hót tiếng hoà nhã diễn giảng lưu loát về các pháp ngũ căn, ngũ lực, thất Bồ đề phần, bát thánh đạo(3) như vậy; chúng sinh trong cõi nghe những âm thanh đó rồi tất cả đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Xá Lợi Phất, ngài chớ cho rằng các loài chim ấy thật do tội báo sinh ra. Vì sao? Cõi Phật đó không có ba đường ác(4). Xá Lợi Phất, cõi Phật đó còn không có tên của ba đường ác nữa, huống chi có thật? Các loài chim đều do A Di Đà Như Lai muốn cho Pháp âm lưu truyền rộng rãi biến hoá ra. Xá Lợi Phất, cõi Phật đó gió nhẹ khẽ thổi, các đường cây và lưới mành quý đều phát ra tiếng vi diệu, ví so trăm nghìn loại nhạc cụ cùng lúc tấu lên. Kẻ nghe được âm thanh ấy đều nhự nhiên sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Xá Lợi Phất, cõi Phật ấy thành tựu công đức trang nghiêm như vậy. Xá Lợi Phất, nơi ý ngài ra sao? Đức Phật vì sao hiệu là A Di Đà? Xá Lợi Phất, Đức Phật ấy hào quang vô lượng chiếu khắp mười phương thế giới không hề trở ngại, vậy nên hiệu A Di Đà. ... [Đọc Thêm] Quý vị có thể tìm được Kinh sách này trên trang "Giáo Pháp" trong phần "Kinh sách" |
Thông Báo Mới > Bài Mới Đăng >