Gar Quotes Posting
Quotes from the Precious One - Garchen Rinpoche
English translation by Ina Dhargye. Quotes from the 8th Kyabje' Garchen Triptrul Rinpoche. Compilation in 2013 by Drikung Dharma Surya Center (www.drikungdharmasurya.org) Tuyển tập này đang được chuyển dịch qua tiếng Việt và tiếng Hoa. Quý vị cũng có thể tìm thấy tuyển tập này ở trang "Tuyển tập ấn tống điện tử" trong phần "Giáo Pháp." [Read book/Đọc Sách tiếng Anh] Konchog Tobgyal chuyển qua Việt ngữ (sắp đăng) |
Ngày 28 tháng 3 năm 2011: Sự ganh tị và lòng tự hào vi tế
Sự ganh tị và lòng tự hào có thể trở nên quái ác và khó nhận diện; thỉnh thoảng, chúng xuất hiện như một cảm xúc thù nghịch vi tế. Chẳng hạn như khi có người khen con tuyệt vời thì con cảm thấy dễ chịu. Nhưng khi người đó nói tiếp ‘Anh thật tuyệt vời nhưng anh kia lại càng tuyệt vời hơn’ thì một cảm xúc khó chịu xuất hiện. Khi những người khác được khen ngợi thì chúng ta chẳng muốn nghe. Khi những ý nghĩ ganh tị và tự hào vi tế chưa được nhận diện thì chúng biến thành những cảm xúc mãnh liệt bám luyến vào hạnh phúc của chình mình và sự thù nghịch đối với những người khác. Căn nguyên của tất cả những vấn đề này là sự chấp ngã. Bởi vì chúng ta tin chắc chắn vào cái ngã này nên chúng ta hoảng hốt khi nó bị đe dọa. Khi bị người chỉ trích thì chúng ta giận dữ. Thật ra, khi người khác trách mắng con thì họ không thể quy thêm cho con cái lỗi mà con không có. Khi những người khác ca ngợi con thì con cũng chẳng trở nên tuyệt vời gì hơn. Cái những người khác nói về con không ảnh hưởng gì đến khuyết điểm và ưu điểm của con. Chỉ có riêng con mới có thể thấy mình có lỗi đó hay không. Nếu con không có lỗi mà người khác quy kết thì chẳng cần phải bực mình làm gì bởi vì sự chỉ trích không mang thêm lỗi đến cho con. Nếu con thực sự có cái lỗi mà người khác cáo buộc thì người vạch ra cái lỗi đó trở thành người thầy tử tế, giúp con sửa lỗi. Dzogchen Patrül Rinpoche đã dạy rằng ‘Đừng bao giờ nhìn vào ưu điểm của chính mình, cũng đừng bao giờ nhìn vào khuyết điểm của những người khác. Hãy luôn luôn nhìn vào khuyết điểm của chính mình nhưng đừng bao giờ nhìn vào khuyết điểm của những người khác’. Nhận biết được từng tâm trạng ganh tị và tự hào vi tế khởi sinh là điều quan trọng. Điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực duy trì sự tỉnh thức bởi vì rất khó nhận diện những tâm trạng này. Mỗi khi một ý nghĩ như vậy khởi lên thì con phải áp dụng phương pháp buông xả nó ngay. Tốt nhất là con nên loại bỏ nó thông qua sự nhận biết: nếu con có thực hành thiền minh sát thì nó sẽ thấy được ý nghĩ vào thời điểm nó khởi sinh và nhận biết được bản chất vắng lặng của nó. Nếu con nhận biết nó được thì nó sẽ mất tác dụng. Nó sẽ không chi phối con theo cách này hay cách khác. Nếu sự tỉnh thức của con chưa đủ mạnh thì con có thể áp dụng cách tiếp cận theo kiểu Bồ tát hạnh, xem người đó là mẹ, bạn thân nhất hay con của con và từ đó phát khởi lòng bi mẫn đối với anh ta. Và nếu việc này cũng quá khó trong một số hoàn cảnh thì con có thể áp dụng cách tiếp cận biệt giải thoát giới. Đó là quán chiếu những khuyết điểm của cảm xúc này và nhận thức rằng hậu quả của hành động theo cảm xúc như vậy là sự đọa sinh xuống những cõi thấp. Con phải áp dụng một trong ba cách tiếp cận này tùy theo căn cơ cua con khi phiền não phát sinh. Con phải thực hành theo đúng căn cơ của mình, cũng giống như đứa trẻ phải mặc quần áo trẻ con và người lớn phải mặc quần người lớn. Một đứa trẻ mà mặc đồ rộng thùng thình của người lớn là rắc rối rồi. Tóm lại, đức Phật đã tổng kết ‘Hoàn toàn điều phục tâm thức của chính con; đây là giáo pháp của đức Phật’. Konchog Kunzang Tobgyal phụ trách dịch sang Việt ngữ từ bản Anh ngữ do Ina Bieler cung cấp. Konchog Jimpa Lhamo hiệu đính bản dịch Việt ngữ. |
Ngày 21 tháng 3 năm 2011
Bài pháp ứng khởi do đức Garchen Rinpoche ban thuyết tại Los Angeles Trên thế giới này, có hai hệ thống chủ yếu: hệ thống thế tục và hệ thống tâm linh. Hai hệ thống này cũng giống như hai con mắt và do đó, hiểu biết cả hai là điều cần thiết. Hiểu biết tinh túy của các hệ thống này là quan trọng. Một số người trên thế giới phản bác tất cả các chuyện tâm linh nhưng họ chỉ tin vào tiến bộ khoa học. Điều này có phần sai lầm. Chúng ta thực sự cần khoa học nhưng đồng thời cũng không thể bỏ bê tâm thức của chúng ta. Và thậm chí trong những hệ thống tín ngưỡng khác nhau, cũng có sự bất đồng. Đối với tôi thì tất cả các tôn giáo đều là tốt và cần thiết.Tôi cũng rất thích khoa học. Tôi muốn có cả hai con mắt đều mở to. Một người chỉ quan tâm đến kiếp sống này cũng giống như một người lang thang vô định trong sa mạc không lối, chẳng biết mình sẽ đi đâu. Một người thông hiểu nghiệp, nhân và quả cũng giống như một người đang bước đi trên đường, biết nơi mình sẽ đi đâu và biết mình đang ở đâu nhưng người ấy vẫn phải đi vòng qua núi và đối diện với nhiều khó khăn khác. Một người có Bồ đề tâm cũng giống như một người đang di chuyển trên chiếc tàu hỏa. Tàu đưa người đi xuyên qua núi và không bị ngăn trở bởi bất kỳ chướng ngại nào trên đường. Người đó cũng đến đích nhanh hơn. Một người với tình yêu thương trong tim có thể dễ dàng cắt đứt giòng phiền não. Nếu một người có Bồ đề tâm thì người đó sẽ trở nên rất dũng mãnh trong việc hoàn thành các thiện hạnh to lớn, mang lại lợi lạc cho người khác. Vì tình yêu thương sẽ đoạn diệt sự chấp ngã nên trí huệ sẽ tự nhiên hiển lộ và như vậy, người đó sẽ biết không sai chệch cái cần nương theo và cái cần loại bỏ. Di chuyển trên tàu cũng giống như tu tập Bồ đề tâm tương đối. Khi sự chấp ngã đã giảm thiểu và ta thấy được bản tánh của tâm thì ta cũng thành tựu Bồ đề tâm tuyệt đối, tánh Không. Việc này cũng giống như đi trên phi cơ. Phi cơ bay trên những đám mây, những đám mây cũng giống như ý niệm và khoảng Không phía trên là Pháp giới. Phi cơ ‘Tuệ giác sáng láng’ bay xuyên qua Pháp giới mà không hề bị ngăn trở. Nó thấy toàn bộ thế giới, những đám mây bên dưới nhưng vì nó cưỡi mây nên không bị quấy nhiễu bởi mây, mưa và bão. Tương tự vậy, khi ta nhận thức được bản tánh của tâm, ta se không còn bị mây tham dục và sân hận chi phối về bất kỳ phương diện nào. Tuệ giác ở trên những đám mây đó. Vì Pháp giới cũng giống như không gian nên nó không thay đổi. Không gian không đến và đi, không gian luôn luôn là không gian. Nhận thức được điều này thì sẽ không còn sợ hãi cái chết; không gian không diệt mà cũng chẳng sinh. Các hiện tương luân hồi và niết bàn giống như mây; Chúng khởi sinh từng phút từng giây nhưng chúng vẫn là chúng – những hiện tượng hữu vi. Chúng là vô thường, phụ thuộc vào sự phân hoại, đến và đi. Di chuyển lên trên những đám mây này, ta sẽ không còn bám luyến thực tại phù phiếm của chúng và như vậy sẽ không còn bám luyến các niệm tham dục và sân hận. Thấy được bản tánh này, dù chỉ trong phút giây, chính là Đại Thủ Ấn. Đây không phải là cái gì mới mà con thu hoạch được [đây là cái vốn có]. Tuệ giác giống như lửa – thoạt đầu, nó giống như đốm lửa, về sau, nó giống như ngọn lửa sáng chói. Nhưng lửa luôn luôn là lửa. Không phải là con tạo ra một tâm thức vĩ đại mà con chưa hề có. Trông thấy nó chỉ trong phút chốc vẫn là trông thấy nó nhưng dĩ nhiên là phải luyện việc này thành thói quen. Chỉ khi nào chúng ta duy trì bản tánh này một cách liên tục thì chúng ta mới đạt được trạng thái đại hỉ lạc, nơi không còn bóng dáng khổ đau. Konchog Kunzang Tobgyal phụ trách dịch sang Việt ngữ từ bản Anh ngữ do Ina Bieler cung cấp. Konchog Jimpa Lhamo hiệu đính bản dịch Việt ngữ. |
Ngày 16 tháng 3 năm 2011: Tình yêu thương và sự chấp ngã
Trích từ bài pháp ‘Làm sao khắc phục khó khăn’ do Rinpoche thuyết giảng tại San Jose, California
Bước đầu tiên để loại bỏ khổ đau là từ bỏ bám chấp vào cuộc đời này. Toàn bộ cuộc đời của chúng ta, từ ngày lọt lòng mẹ đến ngày chúng ta chết, tương tự giấc mơ đêm qua. Sau khi chúng ta chết, chúng ta sẽ sống dậy trong cõi trung ấm – một trạng thái trung gian sau cái chết. Rồi thì cả cuộc đời này sẽ trông giống như một giấc mơ; thế giới loài người sẽ trở thành một ký ức nhạt nhòa. Điều này cũng giống như bừng tỉnh giấc mơ. Đến thời điểm này, nếu chúng ta không diệt trừ được sự chấp ngã thì các hình tướng khủng khiếp sẽ hiện ra – nếu đem ra so sánh [vào lúc ấy] thì thế giới loài người này sẽ giống như một cõi tịnh độ. Ngài Milarepa biết được điều gì sẽ xảy ra với ngài nếu ngài không tịnh hóa được sự chấp ngã và do đó, ngài đã dũng cảm dành trọn cuộc đời mình cho việc tu tập, chẳng hề sờn lòng vì gian khó. Do đó, mỗi khi con gặp khó khăn, hãy quán chiếu rằng ‘cuộc đời này như một giấc mơ, chẳng chóng thì chầy nó sẽ kết thúc và ta phải có những chuẩn bị khi nó kết thúc’.
Để bảo đảm hạnh phúc cho đời sau, hiểu biết nhân hạnh phúc là điều quan trọng. Để tránh nhân khổ đau, chúng ta phải từ bỏ thái độ nâng niu cái ngã và phải phát triển tâm vị tha vì lợi lạc của người khác. Viên ngọc Bồ đề tâm là vật bảo vệ duy nhất vào thời điểm lìa đời . Tinh túy của Bồ đề tâm được thể hiện trong 37 Pháp hành Bồ tát đạo, vốn chứa đựng thuốc chữa lành mọi loại khổ đau, cho ta một giải pháp cho mọi vấn đề. Mặc dù giáo pháp của đức Phật là mênh mông, chính đức Phật đã tóm tắt rằng ‘Hãy hoàn toàn điều phục tâm thức của chính mình, đây chính là pháp của Phật’. Mặc dù đa số chúng ta sống như những ông vua, bà hoàng, song chúng ta vẫn rất thành thạo trong việc tìm cách tự chuốc khổ vào mình – chẳng có cái gì là đủ tốt lành cả. Người giàu thì khổ về của cải, kẻ nghèo thì lại khổ vì thiếu của cải. Ngài Milarepa đã sống trong một cái hang, chẳng có thức ăn, thức uống nhưng ngài lại là người hạnh phúc nhất cõi đời. Thật ra thì chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc trong tâm của chúng ta mà thôi. Nếu tâm ta có thói tật bám chấp thì nó sẽ ra tạo khổ đau và xem mọi thứ là kẻ thù hay mối đe dọa. Nếu chúng ta không có sự bám chấp trong tâm thì ngay cả một hoàn cảnh khó khăn thực sự, như bệnh tật chẳng hạn, sẽ không bị xem là khổ đau. Hiểu biết rõ về nhân quả sẽ giúp chúng ta chấp nhận hoàn cảnh hiện tại và sẽ dạy chúng ta cách từ bỏ khổ đau trong tương lai. Nhân quả có thể được giải thích rất dễ dàng – tình yêu thương là nhân của hạnh phúc; chấp ngã là nhân của khổ đau. Do đó, trong 37 Pháp hành Bồ tát đạo có lời dạy ‘Tất cả khổ đau đều bắt nguồn từ sự mong cầu hạnh phúc cho bản thân. Chư Phật toàn giác khởi hiện từ tâm vị tha.’ Konchog Kunzang Tobgyal phụ trách dịch sang Việt ngữ từ bản Anh ngữ do Ina Bieler cung cấp. Konchog Jimpa Lhamo hiệu đính bản dịch Việt ngữ. |
Ngày 14 tháng 3 năm 2011: Lòng bi mẫn- tình yêu thương
Các bạn thân mến, trong thông điệp đầu tiên, tôi muốn gởi lời chào nồng ấm đến tất cả các bạn trong mạn đà la này. Từ đời này qua đời khác, tâm thức chúng ta đã kết nối với nhau và vì thế, tôi xem các bạn như người thân trong gia đình. Điều khiến cho tâm thức chúng ta đã kết nối với nhau từ đời này qua đời khác là sợi giây tâm linh của tình yêu thương. Những lời ‘nhắc nhở về lòng bi mẫn’ [từ và bi] này sẽ khuyến khích chúng ta không ngừng nỗ lực để tu tập tình yêu thương dành cho nhau. Bởi vì tất cả tâm thức của chúng ta đã được kết nối, chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau qua việc tu tập tình yêu thương. Như vậy, nếu nhiều người trên thế giới này có thể phát khởi tình yêu thương thì sự an bình và hạnh phúc sẽ gia tăng. Tôi có một tình yêu thương bao la dành cho mọi chúng sinh. Bởi thế, tôi tin rằng ban trải ngôn ngữ yêu thương sẽ đóng góp cho sự an bình và hạnh phúc trên thế giới. Câu nguyện duy nhất của tôi là ‘Nguyện cho mọi chúng sinh có được hạnh phúc và tình yêu thương – là nhân của hạnh phúc . Nguyện cho mọi chúng sinh thoát khỏi khổ đau và sự chấp ngã – là nhân của đau khổ.’ Trong Tạng ngữ, từ ‘Bi mẫn’ là 'jamtse' (byams brtse). Theo kiểu viết Tạng ngữ U-Me, từ này có thể được thể hiện trên một dòng duy nhất; Theo tôi, đây là một dấu hiệu chứng tỏ sự trân quý của nó. Hôm nay, tôi tặng cho tất cả các bạn tấm lòng từ và tình yêu thương của tôi. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ nâng niu điều này trong tim vì đây là tinh túy của tất cả hạnh phúc trong kiếp này và các kiếp sau. Đây là tinh túy của các giáo pháp của đức Phật. Nếu các bạn có tình yêu thương trong tim, ngay cả những kẻ thù ghét bạn cuối cùng rồi cũng sẽ trở thành bằng hữu của bạn. Kẻ thù thực sự của các bạn là sự thù hận và đố kỵ. Kẻ thù bên ngoài là một ảo ảnh tạm thời bắt nguồn từ vọng niệm. Các ý niệm này cũng [mang tánh] vô thường. Các ý niệm đến và đi. Do đó, nếu các bạn không từ bỏ tình yêu thương thì sân hận trong lòng những người khác cuối cùng rồi cũng sẽ nguôi ngoai. Nếu bạn yêu thương những người khác thì bạn mong ước cho họ được hạnh phúc. Vì tâm thức chúng ta là một, nếu bạn yêu thương những người khác, tình yêu thương sẽ thẩm thấu tâm thức của họ và do đó, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tình yêu thương là nhân duy nhất của hạnh phúc. Bản tánh của t ình yêu thương là tràn khắp không hề bị ngăn ngại, y như hư không vậy. Tình yêu thương là ánh dương của tâm thức. Ngoài ra, tôi rất đau buồn khi được biết tin về thảm họa động đất ở Nhật Bản cũng như ở Tân Tây Lan, Tây Tạng và các nước khác trong năm ngoái. Mặc dù nhiều chúng sinh đã bỏ mạng nhưng tâm thức của họ thực sự không bị chết đi. Và vì tâm thức của chúng ta được kết nối với nhau, chúng ta có thể mang lại lợi lạc cho họ qua việc tr ưởng dưỡng tình yêu thương và trì tụng lục tự minh chú OM MANI PADME HUNG. Nếu chúng ta có thể làm cho tình yêu thương thấm nhuần tâm thức họ thì họ sẽ bừng tỉnh giấc mộng chấp ngã [chấp còn cái ta] và sẽ thoát khỏi khổ đau’. |